Mang tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, những người làm công tác logistics càng củng cố thêm niềm tin để đưa ngành này phát triển nhanh, mạnh, hiện đại và bền vững trong thời gian tới.
Những ngày này, đất nước đang sống trong không khí hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bên cạnh những hình ảnh, tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bộ đội xung kích, tiêu diệt đồn giặc thì hình ảnh lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm ra mặt trận cho bộ đội cũng được nhắc đến như những người đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử.
Họ là ai, nếu không phải là những người tiền thân của đội ngũ những người làm công tác logistics hiện nay?
Hình ảnh những người dân công hỏa tuyến cũng đã được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong bài thơ nổi tiếng "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên":
Những bàn tay xẻ núi, lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện.
Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Theo tư liệu, trong thời gian tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động được hơn 261.451 dân công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng. Ngoài ra, cũng đã huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục ngàn xe đạp thồ để phục vụ hậu cần chiến dịch
Đáng chú ý, trong 4 thành viên của Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ có chức danh "Chủ nhiệm Cung cấp". Điều này cho thấy công tác hậu cần, nay gọi là logistics, đóng vai trò quan trọng như thế nào trong thành công của chiến dịch.
Tấm ảnh đại diện rõ nhất, ấn tượng nhất cho hoạt động logistics tại chiến dịch Điện Biên Phủ chính là hình ảnh đoàn xe đạp thồ ra mặt trận.
Với sức chở mỗi xe chở lên tới 200 - 300 kg, chiếc xe thồ được cải tiến có thể cho năng suất chở hàng cao gấp 10 lần dân công gánh bộ. Ngoài ra, xe thồ còn có thể hoạt động tốt trên cả những tuyến đường ghồ ghề, sình lầy, lắm bùn đất mà ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển thô sơ, nhưng đầy tính sáng tạo này đã gây nên sự bất ngờ lớn, làm đảo lộn toàn bộ những dự đoán của Pháp khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.
Có thể nói, xe thồ là một "bí quyết" bất ngờ góp phần không nhỏ dẫn đến ngày chiến thắng.
Trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ quyết thắng" kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) được tổ chức tối ngày 5/5/2024, một bác nguyên là dân công hỏa tuyến mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa đã xúc động ôn lại những ngày tháng gian khổ, đúc kết trong một câu thơ:
Đèo cao thì mặc đèo cao
Tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo!
Mang tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, những người làm công tác logistics càng củng cố thêm niềm tin để đưa ngành này phát triển nhanh, mạnh, hiện đại và bền vững trong thời gian tới.
Trần Thanh Hải
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương
(Link gốc Tạp chí Công Thương)