Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng chục triệu tấn nông sản ra thế giới, đem về gần 5 tỷ USD. Tuy nhiên, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nông sản nguyên liệu phải vận chuyển lòng vòng qua nhiều công đoạn khiến chi phí logistics chiếm tới 25% trong giá thành sản xuất nông sản…
Cả nước hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ được giao xây dựng và hoàn thiện đề án hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp, nhất là quy hoạch và triển khai xây dựng hệ thống kho bãi, trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp và kết nối giữa các vùng ngành đến trung tâm logistics và cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu.
Chiều 7/9/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghe Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo về đề án phát triển hệ thống logistics nông nghiệp.
HÌNH THÀNH CÁC ĐIỂM LOGISTICS CỘNG ĐỒNG Ở NÔNG THÔN?
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết hiện nay cả nước có hơn 7.500 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không gắn với vùng nguyên liệu.
Về hạ tầng logistics, Việt Nam đã có hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc gia, 9.000 chợ dân sinh, 1.200 siêu thị; 250 trung tâm thương mại, hơn 1.800 cửa hàng tiện lợi và gần 1.700 chuỗi nông sản an toàn.